Văn hóa - du lịch Hà_Tiên

Nơi cư trú của người Việt cổ

Năm 1983, một chiếc trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở đảo Lại Sơn (Sơn Rái), huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Cổ vật này là chứng tích cụ thể còn sót lại trên đường hải hành của người Việt cổ. Họ khởi hành từ Vịnh Bắc bộ, nương theo gió mùa Đông Bắc - Tây Nam, men ven bờ bán đảo Đông Dương để vào Vịnh Thái Lan…và họ đã gặp một nơi khá thích hợp để làm trạm dừng chân, sau có người định cư luôn, đó là vùng đất mà bây giờ có tên là bán đảo Mũi Nai (Hà Tiên).

Một góc ao sen trước lăng Mạc cửu. (Một trong 3 ao của Ao sen)

Tác giả Lê Trọng Khánh viết: "Từ Lưỡng Việt đến Mũi Nạy (Mũi Nai) ở phía Nam là địa bàn gốc của người Lạc Việt có nguồn gốc và ngôn ngữ chung, nằm trong khối Bách Việt"[8] Về sau, vùng đất này đã chứng kiến biết bao đợt người tiếp nối, từ người Việt cổ đến Phù Nam, qua Khmer rồi đến người Việt hiện đại...

Cảng thị cổ sầm uất

Một phần của Bãi biển Nam Phố, một trong mười cảnh đẹp của đất Hà Tiên xưa

Hà Tiên vào thời Mạc Cửu còn có tên gọi là Mang Khảm, là một mắt xích quan trọng ở phía Đông vịnh Thái Lan, trên tuyến hàng hải thương mại châu Á qua vịnh Thái Lan, men theo bờ biển Đông Việt Nam lên Quảng Châu, Trung Quốc hay Luzon, Philippines. Thời kỳ cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ (1706-1780) cai quản vùng đất này, đã áp dụng một chính sách tự do và coi trọng thương mại. Mạc Thiên Tứ mở cảng cho tàu buôn nước ngoài buôn bán tự do. Hà Tiên trở thành điểm đến của các đoàn thương thuyền từ bán đảo Mã Lai, các đảo Sumatra, Java, các nước Xiêm, Ấn Độ, Miến Điện, Trung Quốc (Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam),...

Vào các dịp sinh nhật Mạc Thiên Tứ (12 tháng chạp âm lịch), các thuyền buôn được phép vào cảng Hà Tiên miễn thuế. Từ lâu đời, nghề chế sáp trắng (bạch lạp) để thắp sáng là một nghề truyền thống ở Hà Tiên, cung cấp cho các nước lân cận như Trung Quốc, Xiêm, Mã Lai,... Ngoài ra đất này còn có nhiều sản vật thương mại khác nữa, Lê Quý Đôn từng viết trong Phủ biên tạp lục:...Huyền phách sản ở trấn Hà Tiên, có khối lượng như đồng, sắc đen như sắt, người ta nói dùng nó có thể lánh được gió độc, tiện làm tràng hạt...[9]

Đề cập đến xứ Hà Tiên thời bấy giờ, sách Thanh triều văn hiến thông khảo có đoạn:

Nước này có nhiều núi cao, địa hạt khoảng trăm dặm vuông. Thành và các cung thất làm bằng gỗ không khác Trung Quốc mấy. Chỗ vua ở xây bằng gạch ngói. Chế độ trang phục phảng phất các vua đời trước, búi tóc, đi võng, chít khăn, đội mũ. Vua mặc áo bào vẽ trăn rắn, lưng thắt dải đai, giày dép bằng da. Dân mặc áo vạt cổ rộng. Khi có tang thì mặc đồ màu trắng, bình thường thì áo nhiều màu…Họ gặp nhau thì chắp tay chào theo lễ. Phong tục nước này ham chuộng thơ văn, trong nước có dựng đền thờ Khổng Tử. Vua và dân đều đến lễ...[10]

Giải thích một vài tên gọi

Hà Tiên

Tà Teng là một ấp cư dân cổ ở hướng Đông Bắc thành phố Hà Tiên, nằm bên bờ trái sông Giang Thành. Khi xưa, người Khmer gọi sông này là Tà Teng (sau là Prêk Ten). Tà có nghĩa là sông, Teng là tên sông. Sách Nghiên cứu Hà Tiên viết: Cách giải thích cũ "nơi đây xưa kia có tiên hiện xuống đi lại trên sông, nên gọi là Hà Tiên" là không có căn cứ và thiếu khoa học.[11].

Phương Thành

Phương Thành là một tên gọi của Hà Tiên xưa. Vương Hồng Sển giải thích: Xưng Hà Tiên là Phương Thành là vì đắp lũy tre giáp vòng để chống quân Xiêm, Miên[12]. Đồng ý kiến này có Trần Thiêm Trung, trong Hà Tiên địa phương chí (1957), ông viết: "Tại trấn lỵ, một thành vuông, đặt tên Phương Thành, chung quanh bao bọc chiến lũy, trồng tre gai, vì thế còn có tên chung là Trúc Bàn Thành."

Sách Nghiên cứu Hà Tiên cho biết thêm và giải thích khác: Trúc Bàn Thành còn gọi là trường lũy Thị Vạn hay bờ Đồn Lớn. Có người hiểu là Thành Thơm (Gia Định thành thông chí, Phương Đình dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí) hay hiểu lầm là Thành Vuông (vì vậy, có người dịch là ville Carrée. Dẫn theo Thi sĩ Đông Hồ, Nam Phong số 143, tháng 10 năm 1929). Nhưng vì đâu có cái tên Phương Thành, sách Nghiên cứu Hà Tiên của Trương Minh Đạt, giải thích: "Ở Hà Tiên có núi Bà Lý (Pang Li), cao 30m, người Hoa đọc chệch là Pang-Lũy, rồi nó trở thành Pang Thành, rồi Việt hóa thành Phương Thành". Ngoài ra, đất Hà Tiên còn có tên Trúc Bàng Thành, đây chính là biến âm của một địa danh đã có sẵn ở địa phương: Phnom Tà Pang. Ở sách Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu còn ghi tên Đồng Trụ Trấn, theo ông Đạt thì đây là một địa danh " nghe sai, đoán phỏng" mà thôi.[13]

Phù Dung

Nền chùa Phù Dung xưa (Kế bên Tháp Bảy tầng - Núi Đề Liêm).

Tên Phù Dung Vạn Sơn được đặt cho quần thể núi non ở Hà Tiên, chính là do tên gọi Phù Youn. Người Xiêm gọi "phù" là núi. Tất cả người Xiêm, Khmer, Chăm, Lào đều gọi người Việt là "Youn" hay "Duôn" (tiếng Phạn có nghĩa là người man di ở hang động). Tên Phù Youn được người Hoa phiên âm thành Phù Dung. Như vậy "Phù Youn" có nghĩa là vùng núi của người Việt. Điều đó, cho thấy khi xưa chủ nhân vùng đất này là người Việt cổ. Sau này, cái tên Phù Dung (Pù Youn) chỉ còn được dùng để chỉ một ngọn núi cao 53 m, mà Trịnh Hoài Đức đã chép trong "Gia Định thành thông chí":

Núi Phù Dung: cách trấn thự về phía tây bắc hơn 1 dặm. Ở đây hang hố xanh rậm lâu đời; chùa Phù Dung ở phía tây nam chân núi, tiếng chuông mõ pha trộn, tiếng kệ kinh lẫn tiếng ồn ào của phố thị, thật là cảnh nửa tăng nửa tục...

Do vậy, tác giả sách Nghiên cứu Hà Tiên, đã nói vui rằng tên chùa không có nghĩa "hoa sen" hay giống hoa "tí ngọ" nào đó, như có người đã tưởng tượng.[11]

Mũi Nai

Xa xưa, gọi là Mũi Nạy, vì nơi đó có núi Pù Nạy (Pù là núi, Nạy là lớn) mà người khmer nói trại là P’Nay hay Bà Nay. Lớp người Việt đến sau bắt chước đọc âm này thành Nai. Đến thời Mạc Thiên Tứ, nhóm người Hoa dịch chữ Nai ra chữ Hán là Lộc (Lộc Trĩ sơn, Lộc trĩ thôn cư)..[11]

Mang Khảm

Mang là phiên âm Hán - Việt của Mường (tiếng Mường- Thái). Về chữ Mang, Trịnh Hoài Đức giải thích: "Những chỗ người Bắc địch tụ hội, chỗ lớn gọi là Bộ, chỗ nhỏ gọi là Lạc; người Xiêm, lào đều gọi là Mang, người Khmer gọi là Súc."[14] Khảm, người Khmer nói là Krom, tiếng Mã Lai gọi là Kram, tiếng Nôm gọi là Hỏm hay Tràm có nghĩa thấp, ngập. Cho nên Mang Khảm (tức trấn Hà Tiên) có nghĩa là "xóm dân vùng nước ngập". Theo Nghiên cứu Hà Tiên, "bởi khởi đầu bằng chữ Mang, đơn vị dân cư theo ngôn ngữ Mường – Thái, nên có thêm một lý do nữa để xác định rằng đây không phải là đất Chân Lạp. Người Chân Lạp (Khmer) chỉ dùng chữ Srock (hay Súc) hoặc Phum.[11]

Thắng cảnh

  • Quần đảo Hải Tặc (quần đảo Hà Tiên).
  • Đầm Đông Hồ.
  • Tượng đài Mạc Cửu.
  • Đền thờ Họ Mạc
  • Đền thờ Bà Mạc Ni Cô (miếu Bà Cô Năm).
  • Chùa Phù Dung.
  • Chùa Sắc Tứ Tam Bảo Tự.
  • Chùa Tà Pang (chùa Mũi Nai, chùa Girìvansa).
  • Tịnh xá Ngọc Tiên
  • Núi Đá Dựng.
  • Núi Mũi Nai.
  • Khu du lịch Mũi Nai.
  • Núi Bình San (Núi Lăng).
  • Núi Pháo đài.
  • Núi Thạch Động.
  • Núi Tô Châu.
  • Nhà lưu niệm nhà thơ Đông Hồ.
  • Nhà tù Hà Tiên.
  • Chợ Hà Tiên.
  • Nhà lưu niệm Tao Đàn Chiêu Anh Các

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hà_Tiên //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://www.gso.gov.vn/phuong-phap-thong-ke/danh-mu... http://hatien.kiengiang.gov.vn/ http://hatien.kiengiang.gov.vn/vi-vn/chinhquyen/gi... https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Ng... https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chi... https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chi... https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi... https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chi... https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/xay-dung-do-t...